Lượm, Đối nhân xử thế

Wake up call của 1 chị 26 tuổi

Mình, 26 tuổi. Hai bằng đại học, một bằng cao học. Được đi khắp nơi trên cái thế giới này. Chưa bao giờ đói, chưa bao giờ phải nghĩ đến chuyện mưu sinh.Mình, 26 tuổi. Hết tuổi mơ mộng. Hết tuổi học sinh. Có thể gọi là già. Cuộc đời mở sang trang mới. Hết màu hồng.

Mình, 26 tuổi. Muốn đập đầu vào tường.

Mình, mông lung đứng giữa cuộc đời, như một con gà công nghiệp lần đầu được chạm xuống sân. Lần đầu phải ăn hạt thóc cứng chứ không phải cám mềm. Lần đầu hiểu muốn ăn thóc phải đi kiếm, phải tranh cướp với bọn gà khác, mà ăn thóc thì chậm lớn lắm, không dễ như ăn cám sẵn chủ đưa đâu. Mình, không biết định hướng tương lai, không hiểu mình là mảnh ghép nào trong cái cuộc đời rộng lớn ngoài kia. Xung quanh mình, ai cũng giỏi, ai cũng thành công, mờ cả mắt.

Mình, cái gì cũng có, cái gì cũng đủ. Mà cứ như không có gì. Vì gần như chẳng có cái gì do mình thật sự làm ra cả.

Mình, muốn làm nhiều thứ, muốn thử, muốn tìm hiểu thế giới. Mà sợ, sợ không biết bắt đầu từ đâu, sợ không dám làm, sợ thất bại, sợ mọi người cười mấy cái bằng xuất sắc xịn xịn đang có. Giấu dốt, không dám lao vào, không dám cọ xát, không dám hỏi, không dám liều, không dám bước ra ngoài cái đám sách vở đã học mà mạo hiểm. Càng lo sợ cái hình ảnh “Thạc sỹ nước ngoài” mà rất nhiều người vẽ lên. Cái tôi cao quá, quen với những nhất lớp, nhất trường, không quen với sự thật phũ phàng. Sinh viên đại học bằng xuất sắc mông lung đã là trò cười, đây thạc sỹ bằng xuất sắc mà cũng lại cũng mông lung ấy à? Nhưng mấy cái bằng kia nó dạy mình những gì?

Đại học, chuyên ngành kinh tế. Chọn cái ngành mà bảo là dễ xin việc với đảm bảo đầu ra. Bây giờ sao mà thấy chua chát thế. Không biết có đến 80% các sinh viên chuyên ngành kinh tế học xong nhưng làm việc chẳng liên quan gì đến những gì đã học không? Bao nhiêu bạn trẻ góp phần phân tích tình hình kinh tế Việt Nam? Bao nhiêu bạn góp phần hoạt định chính sách? Bao nhiêu bạn có chút ít định hướng xây dựng nền kinh tế theo tầm vĩ mô? Bao nhiêu bạn còn giữ lại chút ít kiến thức về những Toán kinh tế, Toán cao cấp, Lịch sử các học thuyết kinh tế hay những Incoterms? Còn lại, bao nhiêu bạn, học kinh tế nhưng quyết tâm phải đua nhau vào ngân hàng, bao nhiêu bạn học kinh tế theo tầm to như vũ trụ nhưng tối ngày loay hoay với những mở hàng trà sữa, thịt xiên, cafe, bánh mì? Tại sao không học kinh doanh, mấy cái ấy giúp ích hơn nhiều, nhưng lại vì là lý do củ chuối “nghe kinh doanh không xịn bằng kinh tế”? Cay đắng hơn, cầm bằng đại học, mà có nhiều bạn còn lơ mơ Kinh tế – Kinh doanh – Tài chính – Kế toán…, ơ mấy cái này khác gì nhau ấy nhỉ?

Học xong đại học, ù ù cạc cạc không có kinh nghiệm thực tế gì, vẫn cứ lao đi học cao học. Về nhà, ai hỏi bằng gì, bằng xịn, bằng distinction, cũng oai lắm. Nhưng thực sự thì, đời không như là mơ, thạc sỹ ơi, thạc sỹ không biết những giấy tờ thủ tục hành chính này như thế nào à? Thạc sỹ không biết những cái hóa đơn chứng từ này điền ra sao à? Thạc sỹ đã làm dự án nào chưa, sản phẩm đâu, kết quả đâu? Excel cơ bản thế này mà thạc sỹ vẫn mày mò à? Thế thạc sỹ có cái gì?

Thật sự mình chẳng biết cái gì cả.

Cọ xát quá ít, kinh nghiệm quá ít. Hồi trước thường xuyên giam mình trong cái phòng học tranh đấu với bản thân 98 không được quyết phải 100 cơ. Rồi để mà làm gì? Thà ra ngoài sân hóng gió, nói chuyện, làm quen. Quen với bạn nhà bán hoa quả để biết cách chọn quả ngon, sạch? Quen với bạn nhà làm ngành y để còn hỏi han lúc đau ốm? Quen với bạn ngoài xã hội để còn có địa chỉ đề phòng khi cần thiết? Mấy cái ấy, có trường lớp nào dạy đâu.

Hôm nay ngồi luyên thuyên, chỉ để chốt lại mình xin khẳng định mình là một con gà công nghiệp cần được học hỏi. Con gà thạc sỹ nước ngoài cần tìm hiểu về thực tế. Không được sợ nữa, từ bỏ cái tôi “học giỏi bằng cấp cao” để mà hỏi những cái nhỏ nhất. Xung quanh mình, điều kiện có sẵn rồi, những người thành công xung quanh mình quá nhiều, mà mình không dám hỏi han họ, lại cứ nhìn, ngưỡng mộ và âu sầu sao mình không làm được, cứ loay hoay trong một cái vòng luẩn quẩn. Chọn 1 cái đi, thử nó đi, hết mình vì nó đi. Vì 26 tuổi rồi, không trẻ nữa đâu. Muộn rồi, muộn thật, nhưng không bao giờ là quá muộn cả. Học đi, làm đi, hết mình đi, chiến đấu đi. Không thì đến bao giờ nữa.

Còn bạn, bạn có dám nhận rằng mình chỉ là một con gà ngậm bằng cấp hay không? Khi bạn đã dũng cảm nhận rồi, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều 😃.


Nhân tiện có thể recommend các em đọc 1 số quyển sách hay ho dễ đọc: Ikigai, Rich dad poor dad, What I wish I knew when I was 20Thói quen đến với chị hơi muộn (cuối 2x tuổi), và chị khá tiếc vì điều đó.

Tác giả ở đây.


Tớ thật sự nghĩ là mọi người nên đọc bài này (chị này cũng FTU đấy), đừng để cái việc “không biết mình là ai, như thế nào, muốn làm gì” trở thành một cái câu trả lời mặc định. Theo tớ thì mỗi người đều có một nhiệm vụ là trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mình, sớm hay muộn thì cũng vẫn phải khám phá cái nội tại bên trong, bắt đầu sớm thì tốt hơn. ^^

Biển rộng trời cao, con vẫy vùng ha.

“Nhận thức là sự bắt đầu của thay đổi…”