Một thằng khốn vĩ đại hay một người tốt nhạt nhòa
Đó là một buổi họp trước tết của AhaMove, cả team marketing ngồi họp để đề xuất chương trình tri ân cho tài xế sau những ngày nghỉ. Trên màn chiếu dòng chữ “CHƯƠNG TRÌNH LÌ XÌ TÀI XẾ” to lù lù hiện ra. Bạn leader marketing tài xế bên mình sinh năm 91 giải thích rằng: “Đây là chương trình mà nếu tài xế đến một số địa điểm nhất định họ sẽ nhận được lì xì khoảng 18.000–20.000 gì đó”
“MÌNH SẼ BỰC VÃI L** NẾU PHẢI ĐI MỘT QUÃNG ĐƯỜNG XA NHƯ THẾ CHỈ VÌ MƯỜI MẤY NGÀN và ĐÂY SẼ LÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦ C** NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN GIỜ” — Đó là ý nghĩ đầu tiên lóe lên trong đầu mình khi mọi người trình bày về chương trình. Mình bắt đầu to tiếng, nhăn mặt và tỏ thái độ khá gay gắt với cái ý tưởng này. Trong khoảnh khắc như thế, mình lướt nhanh qua các khuôn mặt của mọi người trong team. Mọi người có vẻ khó chịu vì thái độ không mấy thiện chí của mình, họ cho rằng mình đang có một thái độ quá đáng, và đòi hỏi quá cao ở những người bên dưới. 2 Bạn lead ngay bên dưới mình bắt đầu nhẹ nhàng để dịu mình xuống và phân tích về một số khó khăn khi làm một chương trình sau dịp tết như thế và họ cho rằng đó là điều tốt nhất có thể làm.
Rồi mình bắt đầu chột dạ và thay đổi thái đột tiếp cận vấn đề này. Mình nghĩ rằng sắp tết rồi, nhân viên mình cũng cần được nghỉ ngơi sau một năm vất vả. Rằng mình không nên gây áp lực cho nhân viên mình như thế. Rằng mọi người cũng đã cố để làm rồi. Ngân sách công ty quả thực quá eo hẹp để có thể làm cái gì đó thực sự WOW.
Nhưng thực tế sau này, và cả bây giờ mình vẫn tin rằng đó là một CAMPAIGN NHƯ C**. Chính thái độ sợ mất lòng người khác, thái độ sợ gây tổn thương cho mọi người xung quanh đã khiến mình làm ra một thứ tệ hại như vậy. Ở Ahamove mình cũng có nhiều lần chấp nhận những điều như thế, không chỉ có lần đó.
Gần đây mình có thời gian để đọc cuốn “Tiểu sử Steve Jobs”. Thứ nổi cộm nhất trong quyển sách này đó chính là thái độ và mối quan hệ của Steve Jobs với những người xung quanh. Người ta gọi góc nhìn của Steve Jobs là góc nhìn nhị phân nghĩa là chỉ có CỰC KỲ XUẤT SẮC hoặc CỰC KỲ TỆ HẠI. Không hề có một thứ gì gọi là “tạm chấp nhận được” ở giữa 2 thứ đó. Ông không ngại nói thẳng với người khác về sự tệ hại của họ, thậm chí ông còn tìm ra những từ ngữ mà chắc chắn khi nói ra họ sẽ bị tổn thương đến tận cùng. Cho đến cả khi chết, trong lời phân trần về cuộc đời mình ông cũng không từ bỏ thói quen chỉ trích người khác. Ông còn lôi Steve Balmer giám đốc Microsoft vào để làm minh họa cho sự dễ dãi của mấy “thằng cha bán hàng”, những kẻ góp phần cho sự lao dốc của những tượng đài của Silicon Valley như Microsoft hay HP v..v…
Đọc xong quyển sách này và quay lại chiếc máy tính chạy windows của mình, mình cũng thấy cả tá ứng dụng mà mình đéo bao giờ dùng. 90% số chức năng của Windows mình không bao giờ đụng đến, hoặc có những thứ mở ra hàng ngày nhưng cách dùng nó thật khó chịu và ngu học vãi cả đái.
Người ta nói Steve Jobs là một thiên tài còn mình không cho là vậy, mình cho rằng ông ấy là một người có 1 nguyên tắc sống, 1 gu thẩm mỹ và một người quan tâm đến trải nghiệm và ông ấy sẽ làm mọi giá, bất chấp mọi thứ chỉ để đạt được mục tiêu mình đề ra. Steve Jobs sẵn sàng cãi nhau to tiếng và chửi nhau với một kỹ sư chỉ để mong giảm thời gian khởi động của Macintosh xuống vài giây (Mọi người xung quanh chỉ nghĩ nó thực sự không cần thiết). Sẵn sàng khiến cả dự án mấy tháng trời làm lại từ đầu chỉ vì muốn thiết bị mỏng hơn vài milimet hay thấy nó không hề tốt chút nào.
Khi 33 tuổi, lúc bạn tìm đến sách như một cách giải đáp một số chuyện mà bạn dù cho có trải qua hàng trăm lần cũng không thể hiểu được hay lý giải được thì cũng là lúc bạn rà soát lại toàn bộ trí não của mình để đối chiếu. Bạn nhận thấy xung quanh mình đều đầy những thằng khốn nạn kiểu như vậy: Mình khá thân với 1 đứa ở Hà Nội mà nó không ngại nói thẳng mặt những người lớn tuổi hơn nó chỉ vì họ nói những cái mà nó thấy không đúng. Nó khá là LÁO! Mình từng là nhân viên của một đứa 91, mà thái độ của nó với những thứ ngu xuẩn là khinh bỉ và coi thường. Nó cũng bị coi là KẺ XẤU và THẰNG KHỐN trong mắt một số người. Mình cũng từng làm nhân viên một số anh lớn trong ngành. Thái độ của các nhân viên với những người aanh cũng này chỉ có 2 kiểu: Ngưỡng mộ vô cùng hoặc ghét như chó. Nhưng không phủ nhận rằng dù cho có LÁO, KHỐN NẠN hay CHƠI BẨN thì họ cũng rất thành công trong những lĩnh vực mà họ đang làm.
Ngày xưa lúc mới vào MoMo mình cũng có 1 người em gái Sài Gòn, một trong những người đầu tiên cùng team với mình. Nó ôm một dự án lớn của công ty, dự án đang trên đà thất bại và nó được gọi vào dự án với hy vọng vớt vát được một phần nào đó thành công của dự án. Sau khi nghiên cứu và phân tích, nó có 1 IDEA, nhưng để thực thi được IDEA đó thì không hề dễ dàng. Nó đi hỏi khắp team dev về tính khả thi của dự án, từ front end cho đến back end. Để rồi trong cuộc họp nó sẵn sàng tranh cãi gay gắt với product manager của dự án về tính khả thi và sẵn sàng All-in vào cái tính năng này. Chỉ qua cái cách nó kể mình cũng cảm nhận được phần nào sự căng thẳng của cuộc họp đó. Thái độ trước khi đọc quyển sách này của mình, một phần ngưỡng mộ và một phần cho rằng sẽ có cách nhẹ nhàng hơn để giải quyết vấn đề. Nhưng đến bây giờ mình lại nghĩ, nếu một công ty toàn những nhân viên như vậy, những người có những ý tưởng tốt và sẵn sàng đến tận cùng để ý tưởng đó thì đó sẽ là một công ty thành công.
Cuối cùng sau tất cả thì mình cũng chỉ thấy rằng bạn có thể tiếp cận một vấn đề với 10 cấp độ khác nhau kiểu như xuất sắc, khá, tốt, trung bình, kém v..v… nhưng kết quả sẽ chỉ luôn có 2 thứ hoặc thành công vang dội hoặc làng nhàng như bao nhiêu thứ ngoài kia, từ product, marketing hay project. Vấn đề của mình luôn là làm quá nhiều thứ cùng một lúc, và chẳng có cái nào thực sự nổi bật cả. Đôi khi chỉ cần làm 1 thứ và đưa nó lên 1 tầm mới, xuất sắc hơn tất cả đã là đủ lắm rồi. Steve Jobs cũng làm điều tương tự khi quay lại Apple và muốn công ty này chỉ cần tập trung vào 5 sản phẩm duy nhất và đưa nó lên đỉnh của đỉnh, thay vì hàng trăm dự án làng nhàng và kém hiệu quả. Apple sau đó trở thành một công ty công nghệ đột phá nhất trong suốt 3 thập kỷ vừa qua.
Tóm lại cả quyển sách là những câu chuyện về một GÃ KHỐN NẠN điển hình, ít chăm lo gia đình con cái, chèn ép nhân viên và đồng nghiệp, nhục mạ người khác mà không thèm đặt mình vào vị trí người khác, thích kiểm soát đến mức độ siêu độc tài. Nhưng Steve Job là một gã KHỐN NẠN VĨ ĐẠI, ông trở thành tượng đài bất tử, không phải là một người làm sản phẩm công nghệ mà là nghệ sĩ của những sản phẩm đỉnh cao.
Trong cái kết của quyển sách, tác giả có để cho Steve Jobs đúng 2 trang sách để giãi bày tất cả. Nó chỉ có 3 ý chính:
- Ngay từ đầu Steve Jobs đã luôn có mục tiêu xây dựng một công ty trường tồn, nó sẽ đứng vững sau nhiều năm dù thế nào đi chăng nữa
- Ông muốn tạo ra một network quanh mình dành cho những người thẳng thắn, trung thực sẵn sàng tranh cãi để những ý tưởng tốt nhất sẽ chiến thắng
- Phải luôn thử nghiệm, cải tiến liên tục dù là bất kỳ lĩnh vực nào và phải luôn chấp nhận về việc vấp phải sự phản đối. Ông suy từ những ca sĩ như Bob Dylan hay The Beatles v..v….
Điều cuối cùng mà mình nghĩ đến sau khi đọc cuốn sách này, đó là mình vẫn luôn theo đuổi mục tiêu làm điều gì đó thú vị và ý nghĩa, hành trình của mình chưa bao giờ hướng tới mục tiêu kiếm nhiều tiền hay lương cao, ngay từ ban đầu mình chỉ muốn với cuộc sống 24 tiếng và dành tận 2/3 thời gian chỉ để ngủ và làm việc, thì nếu ngày nào đó mình tìm được thứ mà mình cho là thứ mình tin là thú vị thì chắc chắn sẽ chẳng có sự thỏa hiệp nào cả và mình sẽ là THẰNG KHỐN NHẤT CÓ THỂ!