Lượm, Đối nhân xử thế

Cần nhiều dũng cảm để trở thành người lớn!

Trưởng thành thường được hiểu là “có nhiều tuổi hơn” và “già đi về cơ thể”. Không phải vậy. Thời gian cứ trôi và cơ thể bạn thì cứ thế già đi. Đó là lão hoá, không phải là trưởng thành. Lão hoá là hệ quả của thời gian, còn trưởng thành là kết quả của nỗ lực bên trong mỗi người.

Trưởng thành là quá trình thay đổi thái độ sống một cách mạnh mẽ. Thái độ sống là hình mẫu suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Trong hầu hết thời gian sống, người ta sẽ sử dụng đi, sử dụng lại những hình mẫu này.

(Hễ ai chê bạn xấu là bạn lại xìu mặt xuống, đó là hình mẫu. Hễ ai đó nói về việc lấy vợ, lập gia đình, bạn thấy nóng trong người, đó là hình mẫu. Những phản ứng của bạn mà người ta có thể đoán được trước khi nó diễn ra, đó là hình mẫu.)

Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, thái độ sống của mỗi người được hình thành. Thái độ sống trẻ con.

Thái độ sống trẻ con là những hình mẫu rất cơ bản, kiểu như bảng cửu chương trong toán học:
– Mình là trung tâm của vũ trụ
– Phải sống đúng, phải làm người lương thiện
– Phải nghe lời người lớn
– Làm những việc được giao
– Phải giỏi hơn người khác

Thái độ sống này do trẻ con học một cách thụ động thông qua việc nghe lời, bắt chước người lớn: bố mẹ, thầy cô, bạn bè…

“Children learn from anything and everything they see. They learn wherever they are, not just in special learning places.” – John Holt

Khi chuyển qua giai đoạn hai của cuộc đời, khi một người bắt đầu sống tự lập, thái độ sống trẻ con sẽ không còn phù hợp nữa. Thái độ sống trẻ con sẽ khiến cho người đó bơ vơ, trôi nổi, ngắc ngoải giữa dòng đời:
– Mình ở rìa của xã hội, không ai quan tâm mình
– Mọi quyết định đều đúng, ai cũng là người lương thiện
– Nghe lời người lớn thì sẽ không thành người lớn mà sẽ thành người già
– Chỉ làm những việc được giao thì mãi chỉ là người học việc
– Người ta đều giỏi hơn mình, mình chỉ có thể giỏi hơn mình mà thôi…

Đây là thời điểm quan trọng nhất của đời người. Việc một đứa trẻ sẽ trở thành người như thế nào sẽ được quyết định ở thời điểm này.

Nếu đứa trẻ đó thành công trong việc cập nhật thái độ sống của mình, nó sẽ trưởng thành! Nó sẽ đón nhận cuộc sống một cách khác hẳn, một cách đầy tự tin, đầy năng lượng!

Nếu đứa trẻ đó thất bại, nó sẽ trở thành một đứa-trẻ-không-chịu-lớn, tiếp tục trôi dạt tới chỗ này, chỗ kia.

Nếu tri thức có thể tiếp thu thông qua việc học, kỹ năng có thể tiếp thu thông qua việc làm, thì thái độ chỉ có thể thay đổi từ những đấu tranh nội tâm. Đây là quá trình khó khăn đòi hỏi rất nhiều dũng cảm và kiên trì.

Khi đối mặt với một tình huống trong cuộc sống, chúng ta sẽ có ngay trong đầu một cách mà chúng ta sẽ phản ứng với nó. Cách này xuất phát từ thái độ sống của chúng ta. Nhiều khả năng, nó từ một hình mẫu bị hết đát, một hình mẫu trẻ con không còn phù hợp nữa. Trong khoảnh khắc đó, một cách phản ứng khác xuất hiện. Cách này đúng đắn hơn, người lớn hơn. Bạn cảm nhận rõ điều đó, nhưng lại không muốn thừa nhận nó, bạn không muốn từ bỏ cách cũ, cách mà bạn vẫn chọn từ trước tới giờ…

Trưởng thành là kết quả của những lựa chọn như vậy. Chọn rũ bỏ một hình mẫu suy nghĩ, cảm xúc và hành động cũ của mình. Dũng cảm nghe theo tiếng nói của “better version” của mình. Dũng cảm đón nhận khoảnh khắc “what-the-fuck”, khoảnh khắc “thấy mình sai cmnr”.

Just can’t wait to become a better me!