Khởi nghiệp, quản trị, marketing,...

TRỞ THÀNH QUẢN LÝ – GrowthLeaders

đi làm một vài năm, bạn không còn là người mới nữa. đi làm ba đến năm năm, bạn đứng trước một cột mốc mới, trở thành quản lý.

trở-thành-quản-lý không phải là một nhiệm vụ bắt buộc, nó là một lựa chọn. bạn không muốn, không ai ép bạn được. bạn muốn, bạn sẽ nhìn thấy được đó là cột mốc sự nghiệp của bạn, rồi bạn tìm cách để đạt được. có người nhìn thấy điều này từ sớm, đặt ra những mục tiêu cụ thể ngay từ khi mới đi làm, kiểu “ba năm sẽ trở thành quản lý, năm năm sẽ trở thành giám đốc”. có người thuận nước đẩy thuyền, đi làm vài năm, nhìn thấy cơ hội, rồi tự điều chỉnh lại lộ trình của mình. cũng có người không chắc lắm về việc mình có trở thành quản lý hay không, sẽ có những do dự, chần chừ. lúc đó, sếp họ sẽ làm người lựa chọn, hoặc gợi ý lựa chọn.

sếp bạn sẽ thấy có những tố chất nào đó, sẽ thấy bạn có những biểu hiện vượt bật trong công việc, sếp bạn sẽ khích lệ, sẽ gieo vào đầu bạn ý nghĩ “mày có thể làm được, hãy trở thành quản lý”. tạo ra quản-lý-mới là nhiệm vụ của sếp, là nhiệm vụ của một người quản lý.

nhưng dù sao thì sao, việc trở thành quản lý là một lựa chọn trong lộ trình phát triển sự nghiệp của bạn. gọi là lựa chọn bởi nó cần có sự chuẩn bị và sẵn sàng. gọi là lựa chọn vì bạn có quyền không chọn. không trở thành quản lý mà tập trung sâu hơn vào chuyên môn, phát triển mạnh hơn về chuyên môn cũng là một lựa chọn.

nhưng dù trở thành quản lý hay một người làm chuyên môn cao thì cũng phải có năng lực lãnh đạo bản thân (self-leadership). điều này giúp bạn trở thành một cộng sự hữu ích, có trách nhiệm, luôn vượt khó và khơi dậy tiềm năng phát triển của bạn ở mức không-giới-hạn. tức là, một người có sức ảnh hưởng tích cực và năng lực có thể tăng trưởng trong tổ chức.

lựa chọn trở thành quản lý, bạn cần thêm năng lực quản trị (management-skill) vào trong nhóm năng lực của mình. điều này là một hành trình tích luỹ, học hỏi và nỗ lực trong dài hạn và nó bắt đầu từ việc điều chỉnh tư duy. tư duy thay đổi, thái độ sẽ thay đổi, hành động sẽ khác biệt và được dẫn dắt bởi tầm nhìn đúng đắn.

quản trị là một nhóm năng lực cần liên tục bồi đắp. có nhiều hệ thống diễn giải và phân bổ các nhóm năng lực này theo các cơ sở lý luận và phương pháp khác nhau nhưng tựu chung cũng chỉ có mấy thứ sau:

(1) quản trị chiến lược / strategic management

(2) phát triển đội ngũ / team management

(3) kiến tạo văn hoá / culture building

cái số (1) bạn sẽ cần thấu hiểu về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi của tổ chức. bạn phải hiểu về định hướng chiến lược trong kế hoạch phát triển của doanh nghiệp để có thể thiết lập các mục tiêu chiến lược của đội nhóm, các kết quả then chốt cần đạt được của từng mục tiêu. bạn cần hiểu được vai trò của đội nhóm trong bức tranh chung của tổ chức, từ đó gánh vác trách nhiệm thiết kế lộ trình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chức năng bộ phận như sản phẩm, thị trường, khách hàng, cạnh tranh… để đạt được mục tiêu, thực hiện quyết liệt và liên tục tối ưu nguồn lực nhằm đảm bảo hiệu quả.

cái số (2) là việc hoạch định nguồn lực đi ra từ nhiệm vụ số (1). hiểu được mục tiêu chiến lược (1) thì mới biết cần gì để làm (2). hiểu rồi, biết rồi thì nhào vào làm. năng lực quản trị đội ngũ là một chuỗi những hoạt động từ hoạch định cấu trúc đội ngũ, phân rõ chức năng nhiệm vụ, tuyển dụng, đào tạo, uỷ thác công việc, đánh giá và kiểm soát chất lượng, quản trị hiệu quả… tất cả đều phải nằm dưới một hệ thống quản trị mà bắt nguồn từ tư tưởng rồi đến công cụ.

cái số (3) là việc thấu hiểu và thừa hưởng văn hoá của tổ chức, sau đó triển khai xuống bộ phận. năng lực này đòi hỏi khởi nguồn từ sự quán triệt về tinh thần của tổ chức, hiểu về giá trị và những kỳ vọng của tổ chức, thấy mình thuộc về tổ chức. hiểu đúng và thấy mình thuộc về sẽ tác động đến thái độ và điều chỉnh hành động. văn hoá bộ phận được kiến tạo và duy trì đầu tiên từ người đứng đầu bộ phận. ‘team’ là hình ảnh soi chiếu từ ‘leader’, vì vậy hình ảnh cá nhân và những gì quản lý làm sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ bộ phận. một trong những nhiệm vụ của việc kiến tạo văn hoá là người quản lý cần liên tục khơi dậy niềm tin và gia tăng sức ảnh hưởng lên đội ngũ. việc này là một nhiệm vụ chiến lược bên cạnh việc kết nối đội ngũ trong bộ phận và giữa bộ phận mình với các bộ phận khác.

3 nhóm năng lực nói trên nói ra chỉ có vậy nhưng để làm thì cần được liên tục điều chỉnh về tư duy và rèn luyện những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp với một tinh thần kỷ luật và thái độ quyết liệt từ những việc nhỏ nhất.

trở-thành-quản-lý là một lựa chọn, còn để làm được thì cần một sự kiên định cao và luôn nỗ lực không ngừng để tạo ra giá trị, trước tiên là với bản thân mình, sau là với tổ chức.

có nhiều mẫu quản lý khác nhau với các tính cách và quan điểm quản trị khác nhau, nhưng những nguyên tắc cốt lõi của quản trị thì như nhau. tư tưởng phải rạch ròi, phải xác lập các tầm nhìn lớn rộng cùng hoài bão tốt đẹp thì mới có thể lớn lên cùng tổ chức, mới có thể làm được điều hay, mới có thể vượt qua những trì trệ và khó khăn mỗi ngày, mới không ngừng đổi mới, loại bỏ những điều cũ kỹ, mới có thể tạo ra những thay đổi có giá trị cao cho tổ chức, cho thị trường.

sếp bạn có thể dạy bạn những điều cơ bản để trở thành một người làm việc tốt, tạo nên những thói quen tư duy và làm việc tốt, là tiền đề cho việc trở thành một quản lý tốt. các chương trình đào tạo quản lý có thể giúp bạn hệ thống lại những năng lực lõi, cung cấp cho bạn các phương pháp lý luận về quản trị và đưa bạn về đúng đường. nhưng để đi được trên hành trình của mình, bạn phải tự đi, bạn phải tự mình điều chỉnh tư tưởng trong bạn về công việc, thay đổi cách bạn nhìn về hiệu quả, hiệu suất và kết quả công việc không chỉ cho những gì diễn ra trong bộ phận, mà còn cả tổ chức, đối với khách hàng và thị trường. bạn phải dũng cảm đối mặt với các thách thức trong mỗi ngày đi làm, khi những khó khăn là điều không thể tránh khỏi. tự bạn, chính bạn phải là người vượt qua và hoàn thành những điều đó.

#GrowthLeaders là một khái niệm, một hashtag tôi đặt ra vào 2015 khi tự bản thân học hỏi nhiều hơn về quản trị và mong muốn được tạo dựng nên một cộng đồng như vậy. có nhiều dự định dang dở nhưng khi hiểu và làm, tôi nhìn thấy và tin tưởng vào những gì mình làm hơn. mà dĩ nhiên là tin, vì đã và đang có nhiều người tin tưởng như vậy, họ nói họ làm, rất nhiều cảm hứng.

Lãnh-Đạo-Tăng-Trưởng là những người làm việc và tin tưởng vào giá trị tích cực, những người cảm thấy “tốt” là cái bẫy của sự an toàn, luôn khát khao trở nên giỏi hơn, thay đổi năng lực vượt lên các giới hạn.

tăng trưởng về cơ bản chỉ là tích luỹ tài sản và đầu tư vào những tài sản này để nó lớn lên. bản thân chúng ta vốn dĩ là một loại tài sản rồi, chỉ cần gieo vào đó những ý niệm tốt đẹp và nỗ lực đủ nhiều để tạo ra sự thay đổi.

công việc, hay cuộc đời, về cơ bản là một hành trình vươn lên kiêu hãnh và hạnh phúc. chẳng có gì lớn lao hơn việc để bản thân mình thấy được là mình ở một phiên bản tốt hơn mỗi ngày.