Đối nhân xử thế

ĐIỂM GIỚI HẠN CỦA 1 NGƯỜI – LIMITTING FACTOR

Hồi trước, mình đọc được 1 câu trong tài liệu đào tạo khá hay ho: “Để thùng chứa được nhiều nước hơn, phải tăng chiều dài của thanh gỗ ngắn nhất, chứ không phải của những thanh dài hơn.”

Có thể có rất rất nhiều bạn trong đời đã từng tự hỏi kiểu như: Sao mình cũng được lắm, có thua kém gì đâu mà không thành công như người ta? – tui cũng hay nghĩ vậy :)))

Tuy nhiên thực tế thì có giỏi bằng thế hoặc giỏi hơn thế gấp mười mà không biết các điểm giới hạn (limiting factor) thì mãi vẫn thế thôi. Tương tự thì với 1 tổ chức thì mức độ thành công của lãnh đạo, của tổ chức không phụ thuộc vào độ giỏi của lãnh đạo – lãnh đạo giỏi là đương nhiên, là điều kiện cần phải có – tuy nhiên để tổ chức có phát triển hơn nữa hay không còn tùy vào điểm giới hạn của người lãnh đạo & quan trọng là lãnh đạo đó có nhận ra & khắc phục được điểm giới hạn đó hay không nữa nha. Tổng quát hơn xíu thì năng lực của 1 tổ chức không bao giờ vượt qua và luôn bị khống chế chính bởi yếu tố giới hạn của hệ thống đó, cho dù các yếu tố khác trong hệ thống không bị giới hạn.

Ví dụ cho dễ hình dung về điểm giới hạn là bạn có 1 thùng rượu 30 lít, thôi lấy thùng nước đi nha, rượu có vẻ bê tha quá 🤣🤤 rồi 1 ngày bạn nổi khùng bạn khoan 1 cái lỗ ở mức 15 lít, thì lúc này điểm giới hạn của cái thùng nước chỉ chứa được 15 lít nước, và để khắc phục điểm giới hạn đó thì bạn cần làm cách nào đó bịt kín cái lỗ lủng ở mức 15 lít kia đi thì điểm giới hạn của thùng sẽ được nâng thành 30 lít.

Tương tự vậy thì bản thân mỗi người đều có 1 hoặc vài điểm giới hạn dù có giỏi có tốt tới đâu chăng nữa & nếu mà bản thân mỗi người không nhận thấy & khắc phục được thì tài năng kia sẽ bị các điểm giới hạn tác động dẫn tới phung phí hoặc không thành công.

Ví dụ thêm cho dễ hình dung (tui không đả kích ai hoặc không cố gắng cổ súy việc học hành không nghiêm túc thông qua ví dụ này nha 🤣) là: có nhiều bạn khi ngồi trên ghế nhà trường học rất tốt, rất giỏi, top lớp top trường nhưng khi ra đời lại không thành công bằng bạn bè – những người mà khi xưa đi học toàn vừa học vừa chơi, thậm chí có ca còn chả học chỉ phá làng phá xóm 🤣🤣🤣

Nếu giải thích điều đó theo điểm giới hạn thì có thể người đó giỏi nhưng lại bị những yếu tố giới hạn, như tính cách chẳng hạn, mà những cái đó thì bạn bè của người đó – những người đang thành công hơn không có hoặc có nhưng họ nhận ra & khắc phục.

Trong thực tế, với bản thân mỗi người đều có thể có hàng đống, hàng lô hàng lốc những điểm giới hạn tác động/cản trở tới sự thành công của mỗi người như: tính vô trách nhiệm, tính luộm thuộm, vô kỷ luật, thiếu kế hoạch, hay sai hẹn, ngại giao tiếp, thích nhậu nhẹt, hay bông lơn, thiếu hài hước, tính sợ người nước ngoài 🤣, hấp tấp vội vàng, quá chân thật, ngây thơ, quá ít nói hay kiệm lời, tính nói quá nhiều, thích chém gió, tính suồng sã, tính dặt dẹo, thiếu khả năng diễn đạt, tính lắng nghe kém, tính hiếu thắng, tính sợ đám đông, lười nhác, ngủ muộn, lếch thếch, nhếch nhác, tính hay chỉ trích, trù dập, tính bài bạc, tính tham lam, ganh ghét, tính ngại giao hệ giao tiếp, tính lăng nhăng …etc…

Nói chung điểm giới hạn của mỗi người thì muôn hình vạn trạng, có thể là kỹ năng, kiến thức, cũng có thể là tích cách, THẬM CHÍ NGOẠI HÌNH đôi khi cũng là điểm giới hạn chí mạng cản trở thành công của một người.

Ví dụ (again 🤣): 1 lập trình giỏi nhưng thiếu kỷ luật thì có thể sẽ mãi làng nhàng khó thăng tiến; 1 seller kỹ năng bán hàng thượng thừa nhưng tự cao đắc thắng thì không thể mãi thành công; 1 nhân viên kinh doanh mặt hàng cao cấp mà ngoại hình lôi thôi nhếch nhác thì không thể tạo sự tin tưởng ở khách hàng được; hoặc 1 lãnh đạo kiến thức giỏi giang, tầm nhìn rộng nhưng không có kỹ năng diễn thuyết, không thể truyền được nhiệt huyết tạo động lực ở nhân viên hoặc không chú trọng xây dựng đội ngũ kế thừa hoặc là tâm địa hẹp hòi thì khó thành lãnh đạo tốt & tổ chức khó phát triển được.

Trong 1 tổ chức thì việc phát huy các sở trường của nhân viên sẽ là quan trọng hơn vì yếu tố giới hạn của các nhân viên sẽ được bổ khuyết bởi đồng nghiệp và hạn chế tối đa thông qua kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng đối với lãnh đạo thì việc khắc phục hoặc tốt hơn là loại bỏ các yếu tố giới hạn lại chính là chìa khóa cho sự thành công tiếp theo của tổ chức. Vì sao?

Vì với 1 tổ chức, người lãnh đạo chính là yếu tố giới hạn của tổ chức đó. Một công ty sẽ chỉ phát triển được đến ngưỡng tối đa thuận với điểm giới hạn của tầm của CEO. Và để công ty có thể phát triển hơn nữa thì chỉ có thể là phải thay CEO mới tốt hơn, hoặc CEO cũ phải khắc phục hoặc loại bỏ được các yếu tố giới hạn đang cản trở bản thân CEO và qua đó cản trở sự phát triển cả tổ chức.

Vậy thì bài toán đặt ra là muốn thành công & thành công hơn nữa là phải xác định được điểm giới hạn của bản thân & khắc phục nó. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm không phải dễ chút nào cả đâu, bước cơ bản đầu tiên để xác định được điểm giới hạn của bản thân là phải xác định được điểm mạnh điểm yếu của bản thân – cái món này cũng tốn công không kém đâu nha, không phải cứ tự ngẫm ra là được, vì tự ngẫm thì mang tính cảm tính bản thân & thiên vị rất cao, sẽ rất thiếu chính xác.Nói thì nói vậy thôi, chứ theo kinh nghiệm bản thân tui thì cũng dễ thôi dù hơi tốn công 1 xíu, đó là các bạn có thể lập 3 danh sách điểm mạnh điểm yếu: danh sách 1 là do bản thân tự kiểm điểm, xem xét & ghi ra, danh sách thứ 2 là phải đi hỏi ít nhất là 5-10 người thân, bạn bè hàng ngày nhận xét THỰC TÂM & ghi ra, danh sách 3 là phải hỏi ít nhất 5-10 người đồng nghiệp, lãnh đạo, thầy cô nhận xét & ghi ra. Rồi từ 3 danh sách đó mới tổng kết, thống kê xem đâu là 3-5 điểm yếu bị điểm mặt chỉ tên nhiều nhất & lên kế hoạch khắc phục thôi – đó là bước đầu tiên xác định điểm giới hạn & khắc phục điểm giới hạn.

Tuy nhiên, có 1 vấn đề là tìm ra điểm giới hạn cũng còn dễ chán so với việc khắc phục & loại bỏ nó. Vì để khắc phục hoặc thậm chí cao hơn là loại bỏ điểm giới hạn hoàn toàn ngoài nghị lực, sự kiên định, kiên tâm … mà thậm chí còn phải hạ thấp cái tôi, hạ thấp sĩ diện xuống – cái này mới là rào cản lớn trong việc khắc phục điểm giới hạn của bản thân mỗi người mà không phải ai cũng có thể làm được & người làm được thì dễ thành công lớn.

VẬY THÌ ĐIỂM GIỚI HẠN CỦA CÁC BẠN LÀ GÌ?

Nguồn: https://www.facebook.com/hugh.vo.ad/posts/1919944291508294